Nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thủy hải sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm lại phải chịu cảnh thua lỗ khi mua phải những lô tôm giống bị nhiễm kháng sinh.
Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh vẫn chưa được đầu tư các trang thiết bị để kiểm tra dư lượng kháng sinh trên tôm giống. Để đảm bảo an toàn lô tôm sạch bệnh về thả nuôi, nhiều nông dân phải đem mẫu tôm đến các Trung tâm kiểm định chất lượng thủy sản ở các tỉnh lân cận như Cà Mau, Cần Thơ hoặc TP. HCM để xét nghiệm. Do vậy, chi phí cho việc xét nghiệm các mẫu tôm giống khá cao.
Theo ông Nguyễn Duy Hân, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình: “Ngành Thủy sản tỉnh chỉ có thể xét nghiệm các bệnh tôm đầu vàng, đốm trắng, còi… Còn các thiết bị xét nghiệm dư lượng kháng sinh, bệnh hoại tử gan, tụy trên tôm vẫn chưa được đầu tư”.
Thực tế cho thấy, chỉ có những hộ nuôi tôm công nghiệp, vốn đầu tư lớn mới thực hiện kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả nuôi. Còn những hộ nuôi tôm theo hình thức thâm canh hoặc bán thâm canh thường không đem mẫu tôm đi xét nghiệm. Mỗi khi đến vụ nuôi tôm, họ thường tìm đến các trại giống quen để mua. Vì vậy, tôm nuôi thường bị thiệt hại.
Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp dù cẩn thận hơn trong việc chọn mua con giống, song vẫn phải chịu cảnh thua lỗ khi mua phải lô tôm giống bị nhiễm kháng sinh. Bởi, loại tôm này nuôi không lớn.
Để tôm post giống không bị hao hụt số lượng, một số trại giống không chỉ dùng chất kháng sinh để trộn cho tôm ăn trong lúc ương vèo, mà còn “ngâm tôm giống trong kháng sinh”. Nghĩa là đưa các chất kháng sinh vào môi trường nước vèo tôm post trước khi xuất bán. Do vậy, khi nông dân mua tôm giống bị nhiễm kháng sinh, tôm nuôi thường đạt đầu con, ít bị hao hụt trong quá trình nuôi. Thế nhưng, tôm lại chậm phát triển, phát triển không đồng đều về kích cỡ, thời gian nuôi kéo dài nên chi phí đầu tư tăng lên, nhất là về thức ăn. Không ít người nuôi phải dở khóc dở cười vì sau khi trừ các khoản chi phí thì họ gần như trắng tay, có hộ phải chịu cảnh nợ nần.
Ông Võ Hồng Ngoãn – người có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Nếu mua được lô tôm giống sạch mà khi nuôi tôm phát sinh dịch bệnh chết, người nuôi tôm tuy chịu thiệt hại nhưng không nhiều như khi mua phải tôm nhiễm kháng sinh. Bởi, tôm nhiễm kháng sinh thường ít phát sinh dịch bệnh, nhưng tôm nuôi rất chậm lớn”.
Không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi tôm, tôm bị nhiễm kháng sinh còn gây ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu thủy sản. Khi nguồn tôm nguyên liệu không đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rất khó cạnh tranh cũng như mở rộng thị trường.
Để người nuôi tôm không phải chịu thiệt hại khi mua phải nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng, ngành Thủy sản tỉnh cần đầu tư các trang thiết bị kiểm tra chất lượng con giống, nguồn nước. Song song đó, cần tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ đối với các hộ kinh doanh, sản xuất tôm giống nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, đưa chất kháng sinh vào con giống.
Theo Báo Bạc Liêu, 22/09/2014 ,