Mô hình tôm – lúa cho hiệu quả kinh tế cao do đầu tư thấp, ít dịch bệnh và ít dùng thuốc kháng sinh, tôm chất lượng cao. Tuy nhiên, hình thức canh tác này đang gặp khó khăn do biến đổi khí hậu và chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chất lượng cao.
Ba tỉnh dẫn đầu
Tỉnh có diện tích tôm – lúa lớn nhất là Kiên Giang với 77.264 ha. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Than Nga, cho biết, tôm – lúa tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương. Trong giai đoạn 2010 – 2015, diện tích tôm – lúa tăng bình quân hằng năm 7,1%; Năng suất năm 2010 trung bình 300 kg/ha, tăng lên 373 kg/ha năm 2014. Riêng năm 2015, đến tháng 10, diện tích này vượt kế hoạch 9,1%, sản lượng thu hoạch 26.699 tấn, đạt 94%. Năng suất tôm nuôi trung bình năm 2015 giảm so năm 2014 do thời tiết nắng nóng, một số vùng tôm bị chết.
Tôm sú được nuôi phổ biến, từ tháng 1 – 8 hàng năm. Sau khi thu hoạch tôm, rửa mặn để làm lúa, các giống OM2517, ST5, năng suất đạt 4 – 5 tấn/ha, cá biệt có vùng 6 – 7 tấn/ha. Từ năm 2012, tôm thẻ chân trắng cũng được thả nuôi trên ruộng lúa. Từ năm 2014, thêm tôm càng xanh xen canh với tôm sú. Năm 2015, có 3.578 ha thả tôm càng xanh, thu hoạch 2.420 tấn, năng suất đạt 676 kg/ha.
Thứ hai là tỉnh Cà Mau với 51.570 ha trong năm 2015, tính đến tháng 10, chiếm 17,9% diện tích nuôi tôm nước lợ 262.915 ha của tỉnh. Cà Mau bắt đầu tôm -lúa khá sớm, từ năm 2000, tập trung ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và thành phố Cà Mau. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, năng suất chỉ 100 – 200 kg/ha. Giai đoạn 2005 – 2015, diện tích tăng nhanh và năng suất cũng tăng, tôm 320 – 350 kg/ha, còn lúa 4 – 4,1 tấn/ha.
Ở Cà Mau, nuôi trong ruộng lúa cũng có tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Luân canh tôm – lúa khá đa dạng về hình thức: 1 vụ tôm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm và 1 vụ lúa có thả xen tôm, cua. Trong đó, tôm sú phổ biến nhất, còn tôm càng xanh và cua thả xen ghép.
Bạc Liêu đứng thứ ba với diện tích tôm – lúa 29.867 ha ở thời điểm hiện nay. Ông Phạm Thanh Thuận ở Sở NN&PTNT cho biết, tôm – lúa bắt đầu thực hiện năm 2001 với 5.851 ha và tăng nhanh qua các năm; tập trung ở huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi. Nơi đây có đặc điểm là diện tích trồng lúa sau nuôi tôm còn thấp, hiện mới chiếm khoảng 30% diện tích đã nuôi tôm; bởi, mùa mưa đến muộn mà kết thúc sớm, thiếu nước ngọt rửa mặn đồng ruộng.
Hằng năm, Bạc Liêu nuôi tôm từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 7, sang tháng 8 – 9 sạ lúa lúa giống dài ngày, hoặc từ tháng 9 đến 10 sạ giống ngắn ngày. Tôm sú đạt năng suất bình quân 300 – 400 kg/ha, thu lãi 35 – 40 triệu đồng/ha. Ngoài tôm sú cũng thả tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và cua. Lúa phổ biến là giống một bụi đỏ, OM5451, OM2017, HS182, năng suất 4,5 – 6 tấn/ha.
Hạn chế tối đa rủi ro
Hiện có nhiều hình thức luân canh tôm – lúa như: Nuôi bán thâm canh 1 vụ tôm và 1 vụ lúa phát triển từ năm 2010. Với tôm sú, tôm – lúa cho lợi nhuận trung bình khoảng 54 triệu đồng/ha/năm; trong đó, lợi nhuận từ tôm khoảng 30 triệu đồng (45%). Tôm thẻ chân trắng đạt lợi nhuận cao hơn, 69,1 triệu đồng/ha; trong đó, lợi nhuận từ tôm khoảng 55 triệu đồng (79%). Sự khác biệt này chủ yếu do thả giống tôm thẻ chân trắng 20 – 30 con/m2, còn tôm sú chỉ 10 con/m2. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thì tôm sú lại cao hơn vì đầu tư ít. Trong luân canh tôm – lúa, chi phí cho sản xuất lúa thấp hơn nhiều so với chuyên canh lúa vì giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cạnh đó, thả thêm cua còn cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha. Hình thức này, thích hợp với diện tích nhỏ.
Nuôi bán thâm canh 2 vụ tôm, 1 vụ lúa, phát triển với tôm thẻ chân trắng do nuôi một vụ chỉ 60 – 90 ngày. Có hộ gia đình thu nhập một năm khoảng 236 triệu đồng/ha, trong đó tôm chiếm 89%; tuy nhiên, hiệu quả thấp do đầu tư cao, lợi nhuận chi khoảng 100 triệu đồng. Rủi ro cũng cao, nghiên cứu ở tỉnh Sóc Trăng trong năm 2015, có đến 21,9% số hộ lỗ nuôi tôm, 15,6% số hộ lỗ trồng lúa. Ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cũng có nhiều hộ bị lỗ nhưng tỷ lệ thấp hơn ở Sóc Trăng.
Nuôi tôm quảng canh cải tiến và 1 vụ lúa, phát triển 15 năm nay, có nhiều thay đổi, cải tiến về kỹ thuật và đang đi sâu vào vùng lúa năng suất thấp ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Thường từ tháng 1 đến 8 là nuôi tôm, tháng 9 – 12 làm lúa. Luân canh tôm – lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn chuyên canh tôm hoặc lúa.
Khảo sát nuôi tôm quảng canh cải tiến và 1 vụ lúa: tỉnh Bạc Liêu thu 77,8 triệu đồng/ha/năm, lời 55,4 triệu; Cà Mau thu 54,2 triệu đồng/ha, lời 39,1 triệu; Kiên Giang thu 81,4 triệu đồng/ha, lời 50,9 triệu. Thu nhập ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cao hơn vì có thả kết hợp tôm càng xanh. Xét tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn đầu tư, có thể thấy là khá cao 1,67 – 2,59 lần.
Về hiệu quả xã hội và môi trường, nuôi tôm quảng canh cải tiến và 1 vụ lúa là bền vững nhất trong các mô hình tôm – lúa hiện nay; đầu tư thấp nên phù hợp với điều kiện tài chính và trình độ của đa số nông hộ. Mức độ rủi ra cũng thấp hơn các mô hình tôm – lúa khác. Nghiên cứu năm 2015, số hộ bị lỗ ở Cà Mau và Bạc Liêu chỉ khoảng 3 – 6%, thấp hơn rất nhiều nuôi tôm bán thâm canh và lúa ở tỉnh Sóc Trăng là 14 – 21%. Nuôi tôm thưa, lượng thức ăn bổ sung thấp nên còn được xem là mô hình canh tác thông minh dưới tác động của biến đổi khí hậu, cả ba mặt: an ninh lương thực, khả năng thích ứng và giảm phát thải.
Tuy nhiên, nuôi tôm quảng canh cải tiến và 1 vụ lúa cũng có nhược điểm là phụ thuộc vào thời tiết nên khó chủ động. Năng suất và tỷ lệ tôm sống thấp. Sản xuất nhỏ lẻ nên khó tiếp cận với đại lý lớn.
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích tôm – lúa ở ĐBSCL hiện hơn 170.000 ha, sản lượng 65.000 tấn/năm, chiếm 15% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ toàn vùng. Mục tiêu đến năm 2020, ĐBSCL có hơn 200.000 ha tôm – lúa, năm 2030 đạt 250.000 ha, tạo giá trị riêng con tôm 25.000 – 30.000 tỷ đồng mỗi năm
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 04/01/2016 ,
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.