Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở LÐ-TB&XH chọn hộ ông Nguyễn Hoàng Sỹ, ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh để thực hiện mô hình dạy nghề ương cá sặc bổi giống trên đất rừng.
Mô hình có diện tích 1.000 m2, được thực hiện trên phần đất rừng vừa khai thác cây, xung quanh có đào kinh nhỏ bao khuôn. Hiện nay cá sặc bổi con được hơn 45 ngày tuổi, phát triển tốt. Theo quan sát của chúng tôi, khi ăn cá nổi dày đặc trên mặt nước. Kỹ sư Lê Văn Lĩnh, cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện U Minh, người trực tiếp phụ trách mô hình, cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi chưa phát hiện hiện tượng bất thường nào trên thân cá, cá ăn rất khoẻ, lớn nhanh và tỷ lệ hao hụt không đáng kể, khoảng 30 ngày nữa có thể xuất bán cá giống, kết thúc mô hình”.
Cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện U Minh thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cá bổi giống trong ao ương.
Theo Kỹ sư Lê Văn Lĩnh, quy trình sản xuất gieo ương cá bổi giống được thực hiện không mấy phức tạp. Sau khi lên khuôn diện tích ao ương, phải tiến hành diệt cá tạp, cải tạo nước bằng vôi bột, kết hợp một số hoá chất diệt khuẩn để đạt các chỉ số môi trường nước cần thiết. Với diện tích ao ương 1.000 m2, sử dụng 10 cặp cá bổi giống sinh sản. Cá bố mẹ sau khi tiêm thuốc thì dùng thau, chậu làm nơi cho chúng đẻ trứng, chạy oxy sục khí đến khi cá nở đổ vào ao nuôi. Thức ăn cho cá bột là lòng đỏ trứng, sau đó cho ăn cám đến khi xuất bán.
Ao ương cá bổi giống của ông Nguyễn Hoàng Sỹ hiện có khoảng 150.000 cá bổi con (bình quân mỗi cặp sinh sản hơn 15.000 con cá con). Ông Sỹ cho biết, giá bán cá giống hiện nay 500 đồng/con, do đó ao ương của ông sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng, sau gần 3 tháng thực hiện mô hình và ông sẽ có lãi khoảng 35 triệu đồng sau khi trừ vốn đầu tư. Hiện nay đã có nhiều người đến đặt hàng mua cá bổi giống của ông Sỹ.
Ngoài ra, ông Sỹ có khoảng 1.000 m2 mặt nước nuôi cá bổi thương phẩm theo hình thức công nghiệp. Ao nuôi của ông Sỹ có khoảng 100.000 con, cá hiện đạt trọng lượng từ 15-17 con/kg, dự kiến 3 tháng nữa thu hoạch. Theo ông Sỹ, ông đã từng nuôi cá bổi trong nhiều năm qua nhưng nuôi công nghiệp thì mới lần đầu. Ông Sỹ phấn khởi cho biết, cá lớn rất nhanh do phù hợp với nguồn nước ở đây, chưa phát hiện bệnh. Ðây là mô hình hiệu quả hơn so với nuôi tự nhiên nhưng khá tốn kém. Hiện tại, mỗi ngày ông phải cho chúng ăn từ 1,5-2 bao thức ăn, chi phí từ 500.000-700.000 đồng/ngày.
Ông Sỹ dự định, vào tháng 10 âm lịch tới đây sẽ thu hoạch cá sặc bổi để phục vụ thị trường cá khô Tết. “Sản lượng cá phải đạt từ 3,5-4 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 60-80 triệu đồng”, ông Sỹ tự tin cho biết.
Theo Kỹ sư Lê Văn Lĩnh, vùng đất nơi đây rất phù hợp để phát triển nghề nuôi cá bổi với quy mô lớn. Qua mô hình ương nuôi cá giống và ao nuôi cá bổi thương phẩm của hộ ông Nguyễn Hoàng Sỹ cho thấy hiệu quả bất ngờ từ các mô hình này. Nếu được áp dụng rộng rãi trong dân thì đây là mô hình phát triển kinh tế đầy tiềm năng ở địa phương, bởi mỗi hộ đều có diện tích sản xuất lớn và lực lượng lao động tại chỗ dồi dào. Và vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền và các ngành chức năng địa phương cần có những phương án phát triển sản xuất cụ thể và có nguồn vốn đầu tư ưu đãi để hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình.
Theo Báo Cà Mau, 28/08/2014 ,