“Trùm” cá rô phi xứ Thanh

Dù rất ít người học chuyên ngành về SX nông nghiệp, nhưng tập thể Cty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa vẫn làm rất thành công mô hình nuôi cá rô phi đen xuất khẩu (XK).

Bước đi táo bạo

Nghe tôi ngõ ý muốn viết một bài mô hình nuôi cá rô phi đen, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa, Lê Đức Giang nói ngay: “Chị đến Cty CP XNK thủy sản Thanh Hóa (viết tắt Cty XNK thủy sản) đi. Họ làm hay lắm”. Tôi lập tức lên đường và thực sự ngỡ ngàng trước những thành tích mà Cty này đạt được.

Năm 2007, Cty XNK thủy sản được cổ phần hóa với lĩnh vực hoạt động chính là nuôi trồng, chế biến tôm sú, tôm thẻ chân trắng XK. Nhưng vì làm ăn thua lỗ nên năm 2010 ban giám đốc hiện thời tiếp nhận Cty này, đồng thời tiếp tục nuôi tôm.

Tuy nhiên, khó khăn tiếp tục dồn ép khi những người từng gắn bó Cty lần lượt “ra đi”, con giống phải nhập từ phía Nam, thị trường XK tôm phụ thuộc trung gian môi giới nên lợi nhuận bằng không.

“Đứng trước thách thức đó chúng tôi liều đưa con ngao Bến Tre vào nuôi trồng, XK. Sau 1 năm lăn lộn Cty đứng “tốp” đầu cả nước về công nghệ nuôi cũng như thị trường. Nhưng hạn chế của con ngao là thị trường không phổ biến nên nếu mở rộng quy mô thì sẽ “ăn” hết đầu ra của các đơn vị khác”, ông Nguyễn Công Hùng, PGĐ phụ trách nuôi trồng, kinh doanh của Cty nói.

Ông Hùng kể tiếp, để tăng lợi nhuận Cty “tung hỏa mù” chế biến cá khô XK sang Trung Quốc, cá tươi đi Nhật Bản… tuy nhiên, cả năm miệt mài làm nếu chỉ nhìn ở mấy con nuôi này thì giỏi lắm cũng chỉ được 8 – 9 triệu USD. Từ đây giấc mơ tìm đối tượng nuôi bền vững được nhen nhóm.

“Giữa năm 2012, tôi “đánh hơi” được tiềm năng thị trường con cá rô phi nên xây dựng ngay dự án “Nuôi và chế biến cá rô phi đen XK”. Ngay sau đó đề án nhanh chóng được thông qua, bởi yếu tố quan trọng nhất là đầu ra đã được giải quyết, còn công nghệ, con người, hệ thống quản lý chất lượng đều đã có sẵn.

Đặc biệt, khi nhìn sang nước bạn Trung Quốc có thể khẳng định cá rô phi đen là đối tượng đứng đầu danh mục XK, thậm chí còn lớn hơn hàng chục lần cá tra, cá ba sa của VN”, ông Hùng nhấn mạnh.


Thu hoạch cá rô

Bước vào giai đoạn bắt tay thực hiện, Cty XNK thủy sản chuyển đổi 16 ha tôm thẻ chân trắng ở xã Trường Giang, huyện Nông Cống sang nuôi cá rô phi công nghiệp. Sau hơn 2 năm đầu tư, diện tích đã được mở rộng lên 24 ha. Ngoài ra Cty còn thuê 250 ha lòng hồ của Cty Thủy nông Sông Chu để nuôi cá rô phi tự nhiên, góp phần tăng sản lượng cá phục vụ XK. “Cty chúng tôi đang phấn đấu mở rộng diện tích nuôi lên từ 500 – 700 ha, sản lượng 30.000 – 40.000 tấn cá rô phi nguyên liệu/năm”, ông Hùng cho biết thêm….

Doanh thu khủng

Theo ông Hùng, mặc dù mang cái tên là “đen”, nhưng thịt loài cá này lại rất trắng, không có xương dăm, giàu các thành phần chống lão hóa, dễ chế biến nên rất phù hợp chế biến đồ ăn nhanh, là 1 trong 10 thực phẩm hàng đầu được các nước châu Âu khuyến khích ăn.

Cá rô phi được nuôi phổ biến trên thế giới, giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu bền vững. Từ năm 1950 đến nay, sản lượng loài cá này tăng liên tục, trong đó Trung Quốc đứng đầu thế giới với hơn 1 triệu tấn/năm.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hùng, một năm có thể nuôi 2 vụ rô phi đen, mỗi vụ 5 tháng, tùy điều kiện ao nuôi và mức độ đầu tư. Chi phí đầu tư bình quân khoảng 450 triệu đồng/ha/vụ, gồm chi phí đầu tư trực tiếp (thuê đất, hạ tầng, con giống, thức ăn, điện nước, nhân công, thuốc, chế phẩm) và chi phí gián tiếp (khấu hao tài sản, quản lý, lãi suất và chi phí khác).

Sản lượng thu hoạch đạt 21 tấn/ha/vụ. Với giá trung bình 30.000 đ/kg, mỗi vụ có thể thu khoảng 630 triệu đ/ha/vụ, tương đương 1,26 tỷ đ/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lãi gần 300 triệu đ/ha/năm. Nếu so với các con nuôi khác có thể nói cá rô phi là đối tượng mang lại lợi nhuận số 1.

Được biết, năm 2013 Cty XNK thủy sản đã XK 500 tấn cá rô phi, dự kiến năm 2014 đạt khoảng 3.000 tấn. Giải quyết công ăn việc làm cho 70 người với mức lương bình quân 5,8 triệu đ/người/tháng.

Ông Hùng cho rằng, trong tương lai, cá rô phi sẽ là sản phẩm thay thế cho các loài cá thịt trắng đang ngày càng cạn kiệt. Chính vì thế, việc Thanh Hóa lấy con cá rô phi để tái cơ cấu là hướng đi đúng. Nhưng hiện nay có 3 khó khăn lớn cần phải giải quyết khi nuôi đối tượng này là nâng cao liên kết “4 nhà” trong SX giống.

VN cũng có rất nhiều đơn vị SX giống nhưng cá rô phi của ta đầu to, mình dài nên khi XK cả con thị trường sẽ không ưa chuộng, trong khi phi lê xuất đi như cá tra thì định mức nguyên liệu cho 1 kg thành phẩm cao hơn 70 – 80% so với nuôi giống cá Trung Quốc, như vậy lợi nhuận sẽ giảm rất nhiều.

“Thanh Hóa là tỉnh có lợi thế rất lớn về đất đai, nguồn nước và con người. Nếu chúng ta chủ động được từ đầu vào đến đầu ra thì không chỉ người nuôi trồng có lãi mà hàng trăm nghìn nông dân SX lúa, ngô, khoai, sắn cũng thoát nghèo, làm giàu từ nông nghiệp được”, ông Nguyễn Công Hùng.

Khó khăn thứ 2 là thức ăn, hầu hết DN không thể chủ động được nguồn thức ăn mà phải phụ thuộc các nước như Hà Lan, Mỹ, Pháp…nên giá cao và thường xuyên tăng.


Cty XNK thủy sản đang phấn đấu mở rộng quy mô nuôi lên 500 – 700 ha

Cuối cùng là chính sách hỗ trợ nuôi cá rô phi của nhà nước đang theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, lâu nay gần như nhà nước đang để dân tự bơi, một số trường hợp được hỗ trợ thì hô hào rất lớn nhưng thực tế lại chẳng được là bao.

“Cty đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý định mức đầu vào sao cho tối ưu nhất mà mang lại hiệu quả cao nhất. Sở dĩ tôi nói “tối ưu” chứ không phải “thấp” là vì chúng tôi xác định được chỉ tiêu mang đến hiệu quả. Lấy ví dụ, yếu tố điện, nếu hiểu theo nghĩa “thấp” là cắt quạt oxy đi, việc này có thể giảm được một số tiền không lớn nhưng cá sẽ chậm lớn hoặc chết, thiệt hại sẽ gấp bội lần tiền tiết kiệm được.

Hay như thuốc thú y phòng bệnh, hầu như người dân coi đây là khoản tiết giảm, không chủ động xử lý nên khi cá bị bệnh chi phí cao thậm chí mất trắng, nhưng chúng tôi coi phòng bệnh là một khoản chi phí nên mạnh dạn đầu tư”, ông Hùng nhấn mạnh thêm.

Tôi hỏi: “Theo anh, Thanh Hóa cần làm gì để thực hiện thành công đề án nuôi 1.000 ha cá rô phi XK, giai đoạn 2014 – 2020?” Ông Hùng bảo: “Phải xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ khâu quy hoạch, giống, thức ăn, công nghệ nuôi cho đến chế biến, XK. Trong chuỗi giá trị này DN phải là nhạc trưởng, nhà nước vừa là bà đỡ vừa là trọng tài. Tuy nhiên các DN trong chuỗi phải hợp thành sức mạnh tổng thể để cạnh tranh với thị trường nước ngoài, tránh tình trạng DN giống, thức ăn, ông nào cũng bán giá cao khiến cho sản phẩm đầu ra đắt, không thể cạnh tranh thị trường quốc tế.

Đối với nhà nước, trước khi làm “trọng tài” thì phải thực sự là bà đỡ. Đỡ từ đầu đến cuối chứ không phải đỡ giữa chừng. Chính sách chưa được bao nhiêu mà nhũng nhiễu nhiều thì chả DN nào muốn làm. Đặc biệt, trong chuỗi giá trị cần phải tính toán kỹ lưỡng đầu tư khâu nào trước, khâu nào sau nếu không sẽ trở thành “miếng mồi” để chia chác nhau.

Riêng khâu giống phải đáp ứng được các tiêu chí gồm: Sức đề kháng tốt, tăng trưởng nhanh, hình thái đẹp (đầu nhỏ, thân tròn) và tỷ lệ cá đực cao”.

Được biết, ngày 18/11/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 3980/QĐ-UBND “Phê duyệt dự toán kinh phí lập quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, XK trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020”.

Theo THANH NGA, Báo Nông nghiệp Việt Nam, 05/01/2015

2 bình luận trong ““Trùm” cá rô phi xứ Thanh”

Ý kiến của bạn