Kỹ thuật sản xuất giống cá giò

Cá giò (cá bớp biển), là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế cao. Việc sản xuất thành công cá giò giống đã góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá biển ở một số địa phương có nhiều tiềm năng như Hải Phòng, Quảng Ninh và Vũng Tàu. Chúng có tốc độ sinh trưởng nhanh, từ con giống cỡ 20 -25g/con sau 1 năm nuôi có thể đạt 4 – 5kg/con. Ðây là đối tượng có rất nhiều triển vọng đối với nghề nuôi biển ở nước ta. Hiện nay, hầu hết các lồng nuôi chỉ sử dụng con giống từ nguồn sinh sản nhân tạo vì sự khan hiếm con giống loài này ở tự nhiên.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình tại các địa điểm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An và đã thu được nhiều kết quả. Hiện nay, quy trình sản xuất giống cá giò đã ổn định và được đơn giản hoá để áp dụng rộng rãi, kể cả tại các cơ sở không có điều kiện đầu tư.

1. Nuôi vỗ cá bố mẹ

Địa điểm

Lồng nuôi vỗ phải được đặt ở nơi ít sóng gió, dòng chảy nhẹ từ 0,2-0,5 m/s, độ mặn 25-32‰, độ trong > 2m. Kích thước lồng 3mx6mx3m hoặc 10x10x10m, kích cỡ mắt lưới thích hợp là 2a=10cm.

Tuyển chọn cá bố mẹ

Chọn những con cá bố mẹ khỏe mạnh, trọng lượng từ 8-10 kg/con. Xác định cá đực và đánh dấu (bằng chíp điện tử). Nuôi vỗ với mật độ 5-6kg cá/1m3 lồng.

Nuôi vỗ cá bố mẹ (Chia làm 3 thời kỳ)

  1. Nuôi duy trì: Thời gian nuôi vỗ từ tháng 6 – 9, thức ăn là cá tạp tươi, khẩu phần cho ăn bằng 3% trọng lượng thân. Đối với cá đã nuôi vỗ từ năm trước nhưng không cho đẻ thì dùng LRHa (liều lượng 10-15mg/kg cá mẹ) tiêm để loại bỏ hết sản phẩm sinh dục cũ, thời gian tiêm từ ngày 5 – 15/7. Đối với cá mới tuyển chọn lần đầu không cần tiêm.
  2. Nuôi vỗ tích cực: Kéo dài từ tháng 10 – 12, lượng cho ăn bằng 5% trọng lượng thân, thức ăn bổ sung một số loại cá có chất lượng cao như mực, cá nục…
  3. Nuôi vỗ thành thục: Từ tháng 1 năm sau cho đến khi cá đẻ. Đây là thời kỳ rất quan trọng, giảm khẩu phần thức ăn xuống từ 2-2,5% trọng lượng thân. Tuy nhiên, giai đoạn này cần bổ sung khoáng, các vitamin.

Chú ý: Bổ sung thêm vào khẩu phần ăn cho cá đực từ 0,5-1mg 17-MT sẽ tăng khả năng thành thục của cá đực.

2. Chọn cá và cho đẻ

Chuẩn bị bể đẻ

Bể đẻ tốt nhất là hình tròn, thể tích từ 50-150m3, chiều cao 2,5m. Nước được cấp từ dưới đáy bể lên để nước trong bể chảy thành dòng xoáy. Mỗi bể lắp từ 6-10 vòi sục khí mạnh. Trước khi đưa cá vào bể đẻ phải cấp nước đầy.

Chọn cá cho đẻ

  1. Cá cái: Dùng que thăm trứng, trứng dời nhau, hạt trứng căng, tròn đều và có đường kính 0,8-0,9mm, màng trứng rõ ràng, nhân hơi lệch về phía cực động vật là trứng tốt.
  2. Cá đực: Vuốt nhẹ gần lỗ sinh dục thấy có sẹ màu trắng đục như sữa chảy ra, tan nhanh trong nước là cá đực tốt, đã sẵn sàng tham gia sinh sản.

Tiêm kích dục tố (KDT)

Cá đực không cần tiêm bất kỳ loại KDT nào. Cá cái tiêm 1 trong 3 loại KDT sau:

  • Tiêm kích dục tố LHR-a với liều lượng 10µg/kg.
  • Hoặc tiêm HCG với liều lượng 500IU/kg.
  • Hoặc tiêm kích dục tố LHRH-e với liều lượng 20µg/kg (Hoormone này có hiệu quả nhất vì cho tỷ lệ thụ tinh cao hơn).

3. Thu trứng, tách và ấp trứng

Thu trứng

Trứng vớt được phải chuyển ngay vào bể hoặc thùng đựng trứng đặt trong bóng tối và có sục khí.

Tách trứng

Đưa trứng cá vào nước có độ mặn 35-36‰, những trứng tốt sẽ trương nước, có kích thước giọt dầu lớn và nổi lên mặt nước. Những trứng chìm và ở sâu trong tầng nước là trứng xấu, phải loại bỏ. Tách trứng từ 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ để loại bỏ hết trứng xấu và cho vào ấp.

Ấp trứng

Môi trường nước ấp trứng cần đảm bảo các điều kiện như độ pH từ 8-8,5; độ mặn 35-36‰; nhiệt độ nước 24-280C. Mật độ ấp từ 400-500 trứng/l, bể ấp được sục khí nhẹ và liên tục trong suốt quá trình ấp. Cấp nước có độ mặn 30-32‰ liên tục vào bể, khi trứng nở độ mặn sẽ hạ xuống còn 31-32‰ (bằng với độ mặn bể ương và có thể chuyển ấu trùng mới nở sang bể ương đã chuẩn bị sẵn).

Theo ThuysanVietnam

Ý kiến của bạn